You Can See More: 8 loại vitamin và khoáng chất cần cho thiên thần nhỏ của bạn
Theo dõi các bài viết trước của tui khỏe còn bạn, chắc bạn cũng đã hiểu vai trò quan trọng của các loại vitamin và khoáng chất đối với sức khỏe rồi đúng không? Bà bầu thì cần tập trung nhiều nhất vào sắt và folate; người lớn tuổi cần nhiều hơn cả là canxi và omega-3; chị em phụ nữ cần vitamin E chống lão hóa,…
Vậy những em bé trong gia đình cần nhất là gì? Tất nhiên, chất dinh dưỡng nào cũng có vai trò quan trọng cả, thế nhưng bạn nhất định phải nhớ rõ 8 loại vi chất mà Tui Khỏe Còn Bạn sẽ bật mí sau đây nhé!
1 – Canxi đi cùng bé
Khoảng thời gian khi còn nhỏ và độ tuổi thanh thiếu niên là thời kỳ mà các bé yêu của bạn phát triển mạnh về xương. Chính vì vậy, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất tốt cho việc phát triển khung xương khỏe mạnh là điều rất cần thiết cho con của bạn nếu chúng đang trong độ tuổi từ 1 đến 18 (với bé gái) và 20 (với bé trai).
Và không phải ai khác, người bạn đồng hành đi cùng bé chính là canxi – khoáng chất thiết yếu cho sự hình thành và phát triển của xương và răng. Nhận được đủ lượng canxi cần thiết trong những năm đầu đời không chỉ giúp con của bạn cao lớn, khỏe mạnh mà còn là nguồn dự trữ cho chính cơ thể của chúng sau này, khi mà tuổi tác và sự lão hóa dần dần lấy trộm đi xương và canxi ~”~!
Bạn cần nhớ bảng sau nè:
Độ tuổi | Liều lượng | Nguồn bổ sung canxi |
---|---|---|
< 6 tháng | 200 mg/ ngày | - Sữa và các chế phẩm sữa chua, phô mai,... - Cá hồi, cá mòi đóng hộp có xương. - Các loại rau lá xanh đậm như rau cải thìa, rau chân vịt, rau bina; bông cải xanh; bắp cải. - Đậu phụ, vừng (mè) và các loại đậu đỗ, hạt dinh dưỡng. - Các loại trái cây: cam, sung, mận - Thực phẩm bổ sung canxi dạng viên, bột, siro hoặc sữa có bổ sung thêm canxi. |
6 - 11 tháng | 260 mg/ ngày | |
1 - 3 tuổi | 700 mg/ ngày | |
4 - 8 tuổi | 1.000 mg/ ngày | |
9 - 18 tuổi | 1.300 mg/ ngày |
2 – Vitamin D mê cao lớn
Chắc bạn cũng đã từng hơn một lần nghe qua thông tin về vitamin D và canxi trong vai trò xây dựng cho chúng ta một khung xương chắc khỏe rồi nhỉ? Vai trò điều chỉnh lượng canxi và phốt pho của nó không hề thay đổi trong cơ thể của em bé đâu nhé. Vitamin D phải giúp cho cơ thể đạt đủ lượng canxi cao nhất thì xương mới chắc khỏe, giảm được nguy cơ loãng xương, gãy xương khi cơ thể chạy nhảy, tập luyện, chơi thể thao hoặc chẳng may bị ngã.
Thậm chí vai trò này còn trở nên quan trọng hơn bởi vì từ khi sinh ra cho tới tận khi học hết ba năm cấp ba, chính là quãng thời gian đặc biệt quan trọng quyết định con bạn có thể cao được tới đâu. Dù ở thế hệ nào thì cũng chẳng ai muốn có một chiều cao khiêm tốn cả ^ _ ^, vậy nên bạn cần bổ sung canxi kết hợp với tắm nắng cho bé để cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể phát triển xương nhé.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên được bổ sung ít nhất 400 IU vitamin D mỗi ngày thông qua con đường ăn uống và việc tắm nắng từ 5 – 15 phút 3 lần/ tuần. Con số này kể từ sau khi bé 1 tuổi là từ 600 – 1000 IU. Lưu ý là tất cả chúng ta đều nên tắm nắng vào buổi sáng trước 10 giờ hoặc chờ cho đến cuối ngày, tránh thời gian các tia tử ngoại xuất hiện mạnh (10h – 15h) có thể gây hại cho da của chúng ta nha.
Một số loại cá như cá hồi, cá thu và cá mòi và lòng đỏ trứng cũng như sữa tăng cường chính là nguồn bổ sung vitamin D cho trẻ. Tuy nhiên để đạt đủ lượng vitamin D khuyến nghị bạn nhớ cho bé tắm nắng hợp lý, cũng như sử dụng thêm thực phẩm bổ sung vitamin D khi mà nhu cầu ngày càng cao nhé.
3 – Vitamin A cho da và mắt
Mẹ phải nhớ rằng, vitamin A đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển và duy trì thị lực của em bé nhé. Thiếu loại vi chất này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về võng mạc, thậm chí là mù lòa.
Ngoài ra thì vitamin A cũng đóng góp sức mạnh vào việc phát triển xương, răng và mô (da, tóc, móng), do đó giúp xây dựng một cấu trúc cơ thể thích hợp cũng như chữa lành những tổn thương và giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng khi bé con chẳng may té ngã hay xây xát, việc mà chúng khá là thường xuyên “làm” ^ ^!
Bằng con đường ăn uống, bạn có thể đảm bảo được lượng vitamin A cần thiết cho em bé trong nhà thông qua thực đơn phong phú hình thành bởi các loại rau màu vàng và cam, các sản phẩm từ sữa và gan.
Bạn cần nhớ bảng sau để biết vitamin A có trong thực phẩm nào và biết cân đối thực đơn nhé:
Độ tuổi | Liều lượng | Nguồn bổ sung vitamin A |
---|---|---|
1 - 3 tuổi | 300 mg RAE / ngày | - Thực vật: cà rốt, cà chua, bí đỏ, mơ, xoài, đu đủ, khoai lang, rau lá xanh đậm (rau bina, cải xoăn), bông cải xanh,... - Động vật: gan động vật, cá có dầu (cá hồi),... - Trứng, sữa, các chế phẩm từ sữa: bơ, phô mai,... và thực phẩm được tăng cường vitamin A. - Viên uống bổ sung vitamin A. |
4 - 8 tuổi | 400 mg RAE / ngày | |
9 - 13 tuổi | 600 mg RAE / ngày | |
từ 14 tuổi | 700 - 900 mg RAE / ngày |
4 – Vitamin B tốt khỏi chê
Các vitamin nhóm B là nhóm vitamin tan trong nước, vậy nên chúng không thể dự trữ trong cơ thể chúng ta mà phải bổ sung qua đường ăn uống. Các vi chất này rất quan trọng cho quá trình trao đổi chất và năng lượng của cơ thể, cũng như đóng góp để chúng ta có một trái tim và hệ thần kinh khỏe mạnh. Vitamin B còn giúp điều chỉnh sự thèm ăn ở trẻ em và người lớn, đồng thời cũng cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và trao đổi chất.
Có tám loại vitamin B là:
- thiamin (vitamin B-1)
- riboflavin (vitamin B-2)
- niacin (vitamin B-3)
- axit pantothenic (vitamin B-5)
- pyridoxine (vitamin B-6)
- biotin (vitamin B-7)
- folate (vitamin B-9)
- cyanocobalamin (B-12)
Trong số các chiến binh nhóm B này, có hai loại là B9 và B12 lag mẹ cần đặc biệt quan tâm hơn, bởi vì chúng sẽ giúp bảo vệ cho hệ thần kinh của bé khỏe mạnh, cũng như ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
Vì vậy mà các bà mẹ thông thái nhất định phải nắm được rõ nhu cầu về các vitamin B của bé yêu để xây dựng thực đơn và kịp thời bổ sung đầy đủ cho bé nhé. Mức dung nạp khuyến nghị mẹ có thể tham khảo như sau:
Loại vitamin B | Liều lượng cho trẻ em dưới 4 tuổi | Liều lượng cho trẻ em trên 4 tuổi | Nguồn bổ sung vitamin B |
---|---|---|---|
thiamin (B-1) | 0,2 - 0,5 mg | 1,2 mg | - Sữa và sản phẩm từ sữa - Trứng - Cá và hải sản (nghêu) - Bánh mì và ngũ cốc tăng cường - Trái cây (chuối, dưa hấu, bưởi) - Rau lá xanh - Các loại đậu (đậu, đậu Hà Lan) - Gan - Thịt (thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt gà) - Quả hạch - Khoai tây - Các loại ngũ cốc - Thực phẩm bổ sung |
riboflavin (B-2) | 0,4 - 0,6 mg | 1,3 mg | |
niacin (B-3) | 3 - 8 mg | 16 mg | |
axit pantothenic (B-5) | 1,7 mg | 5 mg | |
vitamin B-6 | 0, 1 - 0,5 mg | 1,7 mg | |
biotin (B-7) | 7 - 8 mcg | 30 mcg | |
folate (B-9) | 50 - 70 mcg | 400 mcg | |
cyanocobalamin (B-12) | 0,3 - 0,5 mcg | 2,4 mcg |
Mặc dù vitamin tổng hợp cho bé có thể đáp ứng được hết các nhu cầu về vitamin nhóm B cho bé yêu, thế nhưng vẫn là câu nói cũ, bổ sung từ nguồn vitamin tự nhiên có trong thực phẩm sẽ vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, nếu tui muốn bổ sung cho con của mình. Còn bạn?
5 – Vitamin E cũng rất cần nhé
Tui dám cá rằng, hơn 50% trong số chúng ta khi nhắc tới vitamin E sẽ nghĩ tới công dụng làm đẹp, chống lão hóa cho chị em phụ nữ ^ ^! Thế nhưng có một sự thật khá thú vị về người bạn này mà có thể bạn chưa biết đâu đấy.
Vào năm 1922, khi lần đầu tiên được phát hiện, vitamin E được gọi là “vitamin khả năng sinh sản” (“fertility vitamin”) và đến vài năm sau đó thì mới có tên khoa học là tocopherol (tên gốc Hy Lạp) và tokos nghĩa là sinh con, phero nghĩa là mang lại. Và đây là lúc vitamin E được chính thức công nhận là dưỡng chất thiết yếu để thai nhi phát triển bình thường.
Cái tên đủ nói lên tất cả nhỉ? Vitamin E cũng rất cần thiết cho sự phát triển của em bé đấy nhé! Đặc tính chống oxy hóa của người bạn này sẽ bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại, trợ giúp cho cơ thể bé chống lại các gốc tự do có hại gây ung thư, giảm thị lực,…
Mặc dù trường hợp thiếu E khá là hiếm gặp, thế nhưng bổ sung đầy đủ vitamin E cho bé sẽ giúp bé tăng cường sức đề kháng để phát triển toàn diện, ngăn ngừa nhiễm trùng, cải thiện sức khỏe tim mạch, thần kinh và trí não. Kết hợp với cả vitamin A sẽ giúp bảo vệ thị lực của em bé, nhất là khi các bạn trẻ ngày càng thích chơi với điện thoại thông minh, Youtube hay game hơn là các trò chơi vận động khác.
Hàm lượng vitamin E (Alpha-Tocopherol) cần thiết cho trẻ được khuyến nghị bổ sung từ chế độ ăn uống lành mạnh, chứ không nhất thiết phải sử dụng thực phẩm bổ sung. Cho bé ăn 2 – 3 hạt óc chó bổ dưỡng mỗi ngày cũng chính là một cách nhẹ nhàng để bổ sung E và các dưỡng chất khác cho bé, chẳng cần phải uống viên E đâu mẹ nha.
Mẹ cần nhớ bảng sau nè:
Độ tuổi | Liều lượng | Nguồn bổ sung vitamin E |
---|---|---|
0 - 6 tháng | 6 IU / ngày | - Các loại dầu thực vật như: dầu mầm lúa mỳ, dầu hạt nho, dầu cám gạo, dầu hướng dương,... - Các loại hạt giàu dinh dưỡng: hạt hướng dương, đậu phộng, hạnh nhân, hạt phỉ, óc chó; ngũ cốc nguyên hạt - Các loại rau giàu E: rau bi na, bông cải xanh, bí đao, cà chua; - Hoa quả: quả bơ, xoài, kiwi, đào khô - Cá nhiều vitamin E: cá hồi. |
7 - 12 tháng | 7,5 IU / ngày | |
1 - 3 tuổi | 9 IU / ngày | |
4 - 8 tuổi | 10, 4 IU / ngày | |
9 - 13 tuổi | 16, 4 IU / ngày | |
14 tuổi trở lên | 22,4 IU / ngày |
6 – Iốt cần được bổ sung thật tốt
Để bổ sung đủ I ốt cần thiết cho bé, bạn có thể thêm vào thực đơn các thực phẩm giàu I ốt như cá ngừ, cá tuyết, cá hồi và tôm; lòng đỏ trứng; sữa tươi, phô mai thô chưa tiệt trùng; mận sấy khô; và chế biến thức ăn bằng muối có bổ sung I ốt. Các loại bánh, sữa được tăng cường I ốt cũng có thể sử dụng làm món ăn nhẹ cho bé nữa đấy.
Tại sao chúng ta lại phải bổ sung đầy đủ I ốt cho bé? Nếu bạn đã theo dõi chúng tui từ những tập trước, chắc hẳn chưa quên tác dụng của các loại vitamin đối với bà bầu. I ốt chính là “thuốc tăng lực” cho tuyến giáp để sản xuất các hormone điều tiết nhiều hoạt động của cơ thể bé yêu, trong đó đặc biệt quan trọng với quá trình trao đổi chất, tăng trưởng và phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Bạn không được để chế độ ăn của gia đình mình thiếu I ốt nhé! Ngay từ khi còn mang bầu mẹ đã phải bổ sung đủ lượng vi chất này rồi. Đến khi em bé chào đời và lớn lên, mẹ càng phải chú ý bởi vì thiếu I ốt sẽ gây suy giảm trí tuệ và khả năng vận động, điều mà không một bậc làm cha mẹ nào lại muốn xảy ra với con mình cả.
Mẹ chắc chắn phải nhớ điều này:
Độ tuổi | Liều lượng | Nguồn bổ sung I ốt |
---|---|---|
0 - 6 tháng | 90 mcg / ngày | - Cá ngừ, cá tuyết, cá hồi và tôm; - Lòng đỏ trứng; - Sữa tươi, phô mai thô chưa tiệt trùng; - Mận sấy khô; - Chế biến thức ăn bằng muối có bổ sung I ốt. - Các loại bánh, sữa được tăng cường I ốt. |
7 - 12 tháng | 110 mcg / ngày | |
1 - 8 tuổi | 90 mcg / ngày | |
9 - 13 tuổi | 120 mcg / ngày | |
14 tuổi trở lên | 220 mcg / ngày |
7 – Kẽm không được xem nhẹ
Bạn cũng đã biết kẽm sẽ trao sức mạnh cho các enzyme tham gia vào hàng loạt các quá trình trao đổi chất trong cơ thể chúng ta đúng không? Nó cũng trợ giúp cho sức khỏe của da, tóc, hệ thần kinh, miễn dịch và sự phát triển của tế bào.
Em bé sẽ cần tất cả những điều tốt đẹp này để phát triển khỏe mạnh toàn diện, vậy thì cớ gì mà các bà mẹ thông thái lại không bổ sung đầy đủ loại vi chất này cho bé yêu nhỉ? Vậy kẽm có trong thực phẩm nào, mẹ có biết không?
Chỉ cần một thực đơn phong phú đan xen giữa các loại đậu, hạt dinh dưỡng và ngũ cốc nguyên hạt với các loại thịt, hải sản (đặc biệt là hàu, nghêu, sò, trai) và các sản phẩm sữa là đã có thể bổ sung đủ kẽm cho em bé trong nhà rồi. Không quá phức tạp đúng không?
Lượng kẽm mà em bé cần bổ sung khi ở độ tuổi từ 1 – 8 là 3 – 5 mg / ngày; từ 9 – 13 tuổi cần 8 mg mỗi ngày; từ 14 tuổi trở đi, bé gái cần 9mg/ ngày còn bé trai sẽ cần nhiều hơn, khoảng 11 mg / ngày. Mẹ nhớ lưu ý nhé.
8 – Sắt chính là sức mạnh
Sắt không còn là loại khoáng chất xa lạ với chúng ta nữa. Kể từ khi biết quan tâm tới sức khỏe thì các bà mẹ đều biết, đây là thành phần quan trọng của hemoglobin, một phần của các tế bào hồng cầu sẽ mang oxy từ phổi đi khắp cơ thể.
Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Vậy nên mẹ cần phải cân bằng thực đơn dinh dưỡng để bổ sung đầy đủ cho bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ và cả những năm tháng phát triển sau này nhé!
Bạn cần nhớ bảng sau:
Độ tuổi | Liều lượng | Nguồn bổ sung sắt |
---|---|---|
7 - 12 tháng | 11 mg / ngày | - Các loại thịt, cá, trứng, gan động vật. - Các loại ngũ cốc và ngũ cốc tăng cường chất sắt, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì làm giàu sắt,... - Các loại đậu: Đậu xanh, đậu lăng, đậu khô và đỗ. - Rau: Rau bina, bông cải xanh. |
1 - 3 tuổi | 7 mg / ngày | |
4 - 8 tuổi | 10 mg / ngày | |
9 - 13 tuổi | 11 mg / ngày | |
14 tuổi trở lên |
11 mg / ngày (nam) 15 mg / ngày (nữ) |
Trong trường hợp trẻ được chẩn đoán là thiếu sắt, mẹ có thể sử dụng các thực phẩm bổ sung sắt, tuy nhiên cần chú trọng tuân thủ theo liều dùng được khuyến cáo nhé.
Có một vài điểm tui cần lưu ý đến các bà mẹ rằng là các chất dinh dưỡng không hề “đơn thương độc mã”, tất cả chúng hoạt động chung và bổ trợ lẫn nhau trong quá trình bảo vệ bé yêu phát triển khỏe mạnh. Một bà mẹ thông thái sẽ biết cách để nuôi con khỏe mạnh và thông minh. Vậy bí quyết là gì?
Thực ra cũng đơn giản lắm, ngoại trừ khuyến khích bé vận động thể chất phù hợp, hạn chế ngồi một chỗ và sử dụng quá nhiều các thiết bị thông minh để giải trí, mẹ cần xây dựng thực đơn ăn uống thật khoa học bằng cách kết hợp đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho con, trước khi chúng có thể tự ý thức và có đủ kiến thức xây dựng thực đơn cho mình.
Ngoại trừ các dưỡng chất chính cung cấp năng lượng cho cơ thể như tinh bột, chất đạm, chất béo, mẹ cũng cần bổ sung đủ các vi chất mà tui kể trên, và cũng không được quên chất xơ nhé. Nạp nhiều chất dinh dưỡng mà bỏ qua chất xơ sẽ khiến hệ tiêu hóa của bé bị yếu đi, cản trở khả năng hấp thụ dưỡng chất đấy mẹ ạ.
Trẻ em có nhu cầu dinh dưỡng khác với người lớn, không chỉ về mức độ tiêu thụ hay dung nạp mà còn là loại chất dinh dưỡng phù hợp, cần tập trung ở từng giai đoạn. Đành rằng bé con cũng cần các chất y hệt như chúng ta, thế nhưng bạn luôn luôn cần phải chắc chắn kiểm soát được lượng tiêu thụ của các bạn nhỏ.
Bạn biết đấy, em bé trong nhà có thể không biết ăn bao nhiêu thì đủ, nhưng tui, và cả bạn, biết đâu là điểm giới hạn cho mọi thói quen ăn uống, vậy nên hãy lưu ý và nhắc nhở bé con nhé.
Đừng ngại nhắn tin vào facebook của tụi tui hoặc để lại bình luận ngay dưới đây để chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc chăm sóc bé của bạn, biết đâu ai đó sẽ cần!
The post 8 loại vitamin và khoáng chất cần cho thiên thần nhỏ của bạn appeared first on Tui Khoẻ Còn Bạn.
Comments
Post a Comment